THÔNG TIN Y HỌC CHO BỆNH NHÂN

Giảm lượng muối ăn giúp giảm bệnh tim mạch
[ Cập nhật vào ngày (30/06/2015) ]

Thành phần chủ yếu của muối trong khẩu phần ăn của chúng ta là natri. Natri cũng có trong mì chính (bột ngọt), một loại gia vị được nhiều nơi trên thế giới sử dụng.


Thành phần chủ yếu của muối trong khẩu phần ăn của chúng ta là natri. Natri cũng có trong mì chính (bột ngọt), một loại gia vị được nhiều nơi trên thế giới sử dụng.
Mặc dù nghiên cứu về tiêu thụ muối ở Việt Nam còn hạn chế, kết quả sơ bộ (1) cho thấy lượng muối tiêu thụ trung bình tại Việt Nam dao động từ 12 đến 15 gam một người một ngày. Rất nhiều người trong độ tuổi từ 26 đến 64 tiêu thụ một lượng muối cao hơn so với lượng muối do WHO khuyến cáo là ít hơn 5 gam một người một ngày (hay một thìa cà phê). Gần 60% người dân tiêu thụ lượng muối cao gấp hai lần lượng muối được khuyên dùng hàng ngày. Những con số này tương đồng với các kết quả nghiên cứu ở các nước khác như Trung Quốc và Nhật Bản, nơi mà người dân cũng tiêu thụ trung bình khoảng 10 gam muối mỗi ngày.
Tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến (hoặc góp phần vào) bệnh tăng huyết áp và làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Theo một điều tra quốc gia, tỷ lệ tăng huyết áp ở người Việt Nam từ 25 tuổi trở lên là 25,1%. WHO ước tính rằng bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam, chiếm khoảng 33% tổng số tử vong.
WHO đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch hành động toàn cầu để giảm gánh nặng bệnh không lây nhiễm trong đó có chín mục tiêu. Mục tiêu số bốn nhắm đến giảm lượng muối tiêu thụ toàn cầu xuống khoảng 30% vào năm 2025.
WHO khuyến cáo rằng trẻ em từ 2 đến 15 tuổi thậm chí nên ăn ít muối hơn so với lượng muối khuyến cáo cho người lớn là ít hơn 5 gam một ngày và được điều chỉnh thích hợp với nhu cầu năng lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ em.
Ông Jeffery Kobza, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết "việc giảm lượng muối ăn là một trong những giải pháp hiệu quả nhất cho các quốc gia trong việc cải thiện sức khỏe người dân và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỗi người dân cũng như chính quyền có thể sử dụng những biện pháp đơn giản để giảm lượng muối tiêu thụ. "
Mỗi cá nhân và gia đình có thể giảm lượng muối ăn bằng những biện pháp rất đơn giản như sau:
•    Không để nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn
•    Hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm… cho vào thức ăn khi nấu nướng, mức tối đa là không quá một phần năm thìa cà phê muối cho một bữa ăn của một người một ngày
•    Hạn chế thường xuyên sử dụng các sản phẩm có hàm lượng muối cao như khoai tây chiên.
•    Yêu cầu các sản phẩm có hàm lượng muối thấp khi mua thực phẩm chế biến sẵn.
•    Đọc nhãn khi mua thực phẩm đã được chế biến sẵn để kiểm tra hàm lượng muối.
•    Nên cho trẻ em ăn thực phẩm tự nhiên và không thêm muối.
WHO cũng khuyến khích chính phủ thực hiện một cách mạnh mẽ các giải pháp dựa trên bằng chứng để giảm tiêu thụ muối. Các giải pháp sau đây đã được chứng minh là rất hiệu quả.
•    Xây dựng và thực thi các quy định và chính sách nhằm đảm bảo việc các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm giảm dần lượng muối trong thực phẩm và đồ uống.
•    Xây dựng và thực hiện các thỏa thuận với ngành công nghiệp thực phẩm để đảm bảo việc các nhà sản xuất và bán lẻ luôn có sẵn các thực phẩm lành mạnh (với hàm lượng muối thấp) với giá chấp nhận được.
•    Thúc đẩy thực hiện cơ sở ăn uống lành mạnh (khuyến khích giảm muối) ở những nơi công cộng như trường học, bệnh viện, nơi làm việc.
•    Đảm bảo thực phẩm được dán nhãn rõ ràng để người tiêu dùng có thể dễ dàng biết được hàm lượng muối trong các sản phẩm đó.
•    Thực hiện các khuyến nghị của WHO về việc quảng cáo thực phẩm và đồ uống cho trẻ em.
Theo nghiên cứu của Viện dinh dưỡng quốc gia (1) , lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại Việt Nam chủ yếu là từ muối và các gia vị cho vào trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn (81%), có sẵn trong các thực phẩm chế biến sẵn (11.6%) và có trong các thực phẩm tự nhiên (7.4%). Bột canh và nước mắm là hai nguồn chính cung cấp muối hàng ngày (tương ứng với (35.1% và 31.6%). Mì chính và muối tinh là cũng là những nguồn cung cấp muối đáng kể (tương ứng 7.5% và 6.1%). Trong các thực phẩm chế biến sẵn, mì ăn liền là thực phẩm có lượng muối lớn (7.5%). Dưa muối cũng đóng góp 1.4% lượng muối hàng ngày.
Việt Nam đã lên kế hoạch đưa điều tra khẩu phần muối vào vào điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (điều tra STEPS của WHO) vào năm 2015 để có số liệu đầy đủ về sử dụng muối./.




. Theo Văn phòng Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam




Tìm kiếm

TIN TỨC & SỰ KIỆN


Đơn vị trực thuộc

Text/HTML

SƠ ĐỒ ĐƯỜNG ĐI

Thư viện ảnh

thư viện VIDEO

tiện ích